Chiều 14-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã dự lễ gặp mặt, cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.


Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Đại sứ của 40 quốc gia đã hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam và đóng góp cho Chương trình COVAX; các hãng sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các đối tác quốc tế hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự buổi gặp các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, chương trình gặp mặt và cảm ơn các đối tác quốc tế đã ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời mong các đối tác quốc tế tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực hệ thống y tế, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin và y tế cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các đối tác quốc tế hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp. 

Cũng tại buổi lễ, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát biểu, bày tỏ vui mừng vì được sinh sống, làm việc tại Việt Nam trong thời khắc lịch sử - chống Covid-19; chứng kiến nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch; khẳng định Việt Nam là mẫu mực, có nhiều bài học cho các nước trong phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh dịch khác.

Bà Rana Flowers cho biết, UNICEF và các tổ chức của Liên hợp quốc đã và sẽ tiếp tục có các hỗ trợ cho Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là cung cấp vắc xin và sản xuất vắc xin trong nước; góp phần bảo vệ, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em trước dịch bệnh.

Phát biểu theo hình thức ghi hình, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới chúc mừng Việt Nam khi trở thành nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, để ứng phó với dịch Covid-19, tiêm chủng vẫn là biện pháp quan trọng và cần tiếp tục nỗ lực thực hiện. Việt Nam là một hình mẫu, minh chứng cho sự nỗ lực quốc gia và hỗ trợ quốc tế trong để phủ vaccine cho toàn dân, cần được nhân rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các đối tác quốc tế hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam
 Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát biểu. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hơn hai năm qua, nhân loại phải đối mặt với đại dịch Covid-19 xuất hiện rất bất ngờ, không dự báo trước được, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội ở phạm vi toàn cầu và từng quốc gia; nhất là thời gian đầu đã gây bất ngờ đối với tất cả các nước trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu thông qua sự đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ, hợp tác quốc tế; không có quốc gia nào an toàn khi còn có quốc gia khác có dịch. Việt Nam đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để chúng ta cùng nhau chống dịch, nhất là chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, trang thiết bị y tế và đặc biệt là vắc xin.

Dịch bệnh tác động đến toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn dân; không có người dân nào an toàn khi còn có người mắc Covid-19; lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; mọi chính sách đều hướng đến người dân; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Trong quá trình phòng, chống dịch, Việt Nam hoàn thiện phương pháp phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên 3 trụ cột “cách ly, xét nghiệm, điều trị” và công thức phòng, chống dịch “5K + vắc xin, thuốc, điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Trong đó, vắc xin là thành tố có tính chất quyết định, là “lá chắn” an toàn nhất cho người dân để phòng, chống Covid-19. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chiến lược vắc xin, trong đó đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Chiến dịch quan trọng này với nguồn cung cấp vắc xin rất đa dạng, từ Pfizer, Janssen, Moderna của Hoa Kỳ, AstraZeneca của Anh, tới VeroCell, Sinovax của Trung Quốc, Sputnik V của Nga, Abdala của Cuba, Covaxin của Ấn Độ… Trong đó, chiếm đến gần 40% trong tổng số vắc xin mà Việt Nam nhận được là từ sự trợ giúp của COVAX và trên 30 nước cung cấp cho Việt Nam qua COVAX và qua kênh song phương, dưới nhiều hình thức đa dạng; góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc xin và chiến dịch tiêm chủng. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc xin rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin cao nhất trên thế giới. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Từ tháng 10-2021, Việt Nam đã chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó đã có một số kết quả tích cực như: Từ tăng trưởng GDP âm hơn 6% trong Quý III đã đảo chiều tăng 5,22% trong Quý IV năm 2021, qua đó đưa GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. Qua 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội đạt các kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội đã được phục hồi trở lại. Các chuyến bay thương mại quốc tế đã được mở lại từ 15-2-2022. Với việc mở cửa, thúc đẩy du lịch quốc tế từ ngày 15-3-2022, Thủ tướng tin rằng rất nhiều khách quốc tế sẽ đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và thân thiện, mến khách.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ rõ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp thời thay đổi tư duy và biện pháp phòng, chống dịch, chuyển hướng linh hoạt trong điều kiện khó khăn; nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm ở trong nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự đoàn kết và hỗ trợ của các nước, các tổ chức, cá nhân ở khắp nơi trên thế giới về vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế. Sự hỗ trợ này đặc biệt quý báu vì vào đúng thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất, thực sự thể hiện tinh thần đoàn kết trong sáng, “bạn bè hoạn nạn có nhau”.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi tới các các vị Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức Liên hợp quốc tham dự buổi lễ và qua các vị tới Chính phủ các nước, các tổ chức lời cảm ơn chân thành và trân trọng nhất về sự đồng hành, những đóng góp, hỗ trợ, hành động thiết thực, kịp thời đối Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ, cảm thông với cộng đồng quốc tế trước những khó khăn, mất mát do dịch Covid-19 gây nên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2022, Việt Nam phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hội nhập kinh tế sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các đối tác quốc tế hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. 

Trước tình hình dịch bệnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, với phương châm tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế, Việt Nam đang thần tốc trong việc hoàn thành tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người trên 18 tuổi và hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; tăng cường năng lực y tế, nhất là năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 một cách khoa học, kế thừa những kinh nghiệm quý, cách làm hay và đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam luôn tham gia hết sức tích cực, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; luôn đề cao và ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh. Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Việt Nam đã có những hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với nhiều nước nhằm chung tay vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Dù còn khó khăn, Việt Nam cũng đã đóng góp cho Cơ chế COVAX, cho Quỹ Ứng phó Covid-19  của Tổ chức Y tế Thế giới. Bên cạnh hỗ trợ các thiết bị, vật tư y tế, Việt Nam cũng đã cử các đoàn cán bộ y bác sĩ, chuyên gia y tế đến hỗ trợ một số nước. Theo đề nghị của Liên hợp quốc, tháng 4-2021, Việt Nam đã đồng ý tiếp nhận khẩn cấp và đã điều trị thành công cho một nhân viên Liên hợp quốc trong khu vực bị mắc Covid-19 nặng.

Cũng theo Thủ tướng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xướng sáng kiến lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc xin, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế về vắc xin.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vui mừng khi mới đây được chọn là một trong những nơi tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin mRNA. Điều này sẽ giúp Việt Nam sản xuất được vắc xin mRNA với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước, góp phần bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực, tăng khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp các đối tác quốc tế hỗ trợ vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh về hoạt động đối ngoại vắc xin phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Dương Giang 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, công tác phòng, chống dịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến dài, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Do đó, Thủ tướng đã nêu một số đề xuất tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế trong phòng, chống Covid-19; tăng cường ủng hộ các sáng kiến song phương và đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng vắc xin, trong đó có cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX. Nhân buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông báo Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ tiếp tục đóng góp đợt 3 cho COVAX.

Chính phủ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức về cung cấp vắc xin, nhất là vắc xin phòng các biến chủng mới và vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về tiêm vắc xin cho trẻ em; hỗ trợ Việt Nam mở cửa trường học an toàn; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các nước, các tổ chức để phòng, chống dịch hiệu quả, thể hiện sự đoàn kết, trách nhiệm quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

HUY LÊ - Nguồn: qdnd.vn

Các bài viết khác

Kết nối cộng đồng

Đăng ký nhận tin của chúng tôi