Quyết định mở cửa du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao lưu và giao thương quốc tế như giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Đồng thời, chính sách mở cửa được triển khai trên tinh thần áp dụng tối thiểu nhất các biện pháp kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn cho tất cả người dân, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài.


Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị “Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả”, ngày 15/3/2022 tại Hà Nội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức.

Hội nghị được tổ chức nhằm trao đổi thông tin và thống nhất các biện pháp để các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp triển khai khẩn trương, hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022.

Đẩy mạnh xúc tiến, mở lại các hoạt động du lịch
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới sau 2 năm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đối với Việt Nam, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mở cửa mạnh mẽ từ ngày 15/3 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, trên cơ sở những nền tảng vững chắc và kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua.

Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc mở cửa để phục hồi, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới, có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết. "Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới"- Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nêu rõ.

Trước sự kiện quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đã thông tin cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về những chính sách, quy định liên quan đến việc đón khách quốc tế của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ vừa được ban hành ngày 15/3 về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước nhập cảnh với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết, các nước hoan nghênh chủ trương kịp thời, đúng lúc của Việt Nam về mở cửa du lịch quốc tế; đánh giá cao kết quả kiểm soát và thích ứng với dịch bệnh của Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai rất hiệu quả chiến lược tiêm chủng. Đại sứ Việt Nam tại nhiều nước cho biết các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư và rất nhiều công dân sở tại đã liên hệ đại sứ quán để tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch du lịch tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại sứ cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và quy định của các nước về phục hồi du lịch, đồng thời đề nghị các sản phẩm du lịch Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát các xu hướng du lịch mới như: du lịch xanh, bền vững, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo chăm sóc y tế cho khách du lịch…

Về phía các địa phương, doanh nghiệp cũng đã có những đánh giá cao quyết định của Chính phủ về mở cửa du lịch từ ngày 15/3; nhất trí cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, phát triển các ấn phẩm quảng bá bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, xây dựng logo chính thức để quảng bá hình ảnh của Việt Nam sau đại dịch, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Đẩy mạnh xúc tiến, mở lại các hoạt động du lịch
Nhiều ý kiến đóng góp tại Hội nghị nhằm triển khai khẩn trương, hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch quốc tế

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh quyết định mở cửa du lịch có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao lưu và giao thương quốc tế như giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Chính sách mở cửa được triển khai trên tinh thần áp dụng tối thiểu nhất các biện pháp kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn cho tất cả người dân, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan triển khai khẩn trương, hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về việc áp dụng lại các chính sách thị thực, thị thực điện tử; tiếp tục nghiên cứu các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa về thị thực nhập cảnh đối với khách quốc tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các thủ tục xuất nhập cảnh liên quan đến khách du lịch đường không, đường thủy và đường bộ.

Về một số nội dung được các doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ quan đại diện nước ngoài nêu lên tại Hội nghị như chính sách thị thực, cách ly y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. “Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đánh giá cao công sức thầm lặng của các đại sứ, các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong nỗ lực phòng chống dịch trong hơn 2 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục kết nối với các đối tác tại các nước để triển khai hiệu quả chủ trương mở cửa hoàn toàn giao thương và giao lưu quốc tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan trong nước đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, các Bộ, ngành và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả chủ trương về mở cửa du lịch và giao thương đã được Chính phủ ban hành.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới Bộ này sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tăng cường sự liên kết phối hợp của liên bộ, liên ngành với các địa phương để triển khai nhiệm vụ này; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong điều kiện khó khăn; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch; phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch để khắc phục những hạn chế, khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến dòng lao động dịch chuyển sang các lĩnh vực khác; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón khoảng 49.200 lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ngành du lịch là ngành có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu có những giải pháp, biện pháp phương thức phù hợp để nắm bắt cơ hội trước bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Nguồn: congthuong.vn - Hoa Quỳnh

Các bài viết khác

Kết nối cộng đồng

Đăng ký nhận tin của chúng tôi